Viêm tai giữa cấp và mãn tính trẻ em

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em là một bệnh thường gặp. Tuy là bệnh cấp, nhưng dễ điều trị. Dùng thuốc đúng cách trong 10 ngày là bệnh có thể khỏi.

Triệu chứng:

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 18 tháng đến 3 tuổi. Trước đó, trẻ có bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho thoáng qua. Chính bệnh viêm mũi họng này đã đưa vi khuẩn vào tai giữa qua một đường tự nhiên, đó là vòi nhĩ. 1-2 ngày sau khi vi khuẩn đã vào, tai giữa bị viêm cấp, em bé sốt 38-39 độ C.

Có em bị động kinh hoặc rối loạn tiêu hoá, nôn, trớ, tiêu chảy. Ngoài ra, tai bị nhức rất nhiều, đến nỗi em bé chỉ khóc mà thôi. Nhiều em bé quá nhỏ, không chỉ được nơi nhức, nên gia đình không biết được nguyên nhân khóc kéo dài của bé.

Ngoài hai triệu chứng trên, còn một triệu chứng nữa rất khó phát hiện ở bệnh nhân nhỏ, đó là nghe kém và tai bị viêm.

Xem thêmCẩn thận kẻo hoại tử tai, mất mảng da đầu khi hấp, ủ tóc chơi tết

Định bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ không phải dễ. Khi em bé khóc vô cứ, chứng tỏ em bị đau nhức nhiều ở một vùng nào đó trong cơ thể. Ở trẻ nhỏ thường có hai nơi bị đau nhức nhiều, đó là đau bụng và đau tai.

Bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Theo các chuyên gia về tâm lý trị liệu điều trị tương đối dễ một khi đã định được bệnh. Giảm sốt bằng cách cho em bé uống acetaminophen nước. Điều quan trọng là phải diệt khuẩn ở tai giữa. Thuốc thường dùng ở đây là thuốc phối hợp giữa amoxycillin và clavulanic acid (Augmentin, Ciblor…) Phải điều trị kháng sinh ít nhất 10 ngày. Bệnh có thể khỏi.

Tuy là bệnh cấp nhưng viêm tai giữa có thể phòng ngừa được. Trước nhất là phải giữ mũi họng cho sạch, năng tắm rửa, rửa tay thường xuyên, nhất là trước bữa ăn.

Nên ăn nhiều chất bổ dưỡng để em bé có sức đề kháng. Mỗi khi em bé ho, sổ mũi thì phải điều trị ngay, đừng để chuyển sang viêm tai giữa cấp. Một khi phát hiện bệnh viêm tai giữa cấp, nên đi điều trị chuyên khoa ngay để có cách xử trí đúng và tránh được viêm tai giữa mạn, viêm tai xương chũm sau này.

Bệnh viêm tai giữa mạn

Viêm tai giữa mạn, còn gọi là chảy mủ tai, là bệnh tương đối phổ biến ở trẻ em. Đây là một bệnh dai dẳng, mủ tai chảy khi bớt, khi không và kéo dài nhiều năm liền. Nếu để lâu không điều trị, bệnh trở thành viêm tai xương chũm, có biến chứng nguy hiểm (bệnh nhân có khả năng tử vong).

Bệnh viêm tai giữa mạn lúc nào cũng bắt đầu từ viêm tai giữa cấp. Bệnh nhân bị sốt cao, nhức tai và nghe kém. Nếu điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi trong vòng vài ngày. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh sẽ chuyển sang viêm tai giữa mạn. Tai bắt đầu chảy mủ. Mủ có thể chảy liên tục hay từng đợt. Nếu điều trị với kháng sinh, nhỏ tai, bệnh có thể khỏi trong vòng một thời gian dài, nhưng sau đó lại tái phát. Nước chảy ra ban đầu là dịch đục không hôi.

Đây là thời kỳ chỉ viêm tai giữa mạn đơn thuần mà thôi. Một thời gian sau, nước chảy ra là mủ, có mùi hôi. Đây là thời kỳ viêm tai giữa đã lan dần vào trong và gây viêm tai xương chũm. Cuối cùng, nước chảy ra là mủ có mùi thối khẳm như mùi cóc chết. Đây là thời kỳ tai có chứa một khối mềm, gọi là Cholestéatome. Chính khối này to dần và gây chiến chứng chết người.

Bệnh viêm tai giữa mạn là bệnh tương đối phổ biến ở trẻ em
Bệnh viêm tai giữa mạn là bệnh tương đối phổ biến ở trẻ em

Những biến chứng do khối này gây nên thường là áp xe đại não, viêm xoang tĩnh mạch bên và viêm màng não. Giữa tình trạng bệnh thông thường và tình trạng biến chứng có giai đoạn chuyển tiếp, còn gọi là “hội chứng hồi viêm”.

Lúc đầu, bệnh nhân vẫn sinh hoạt như thường, tai chảy mủ khi nhiều khi ít. Đột nhiên bệnh nhân sốt cao 38- 39 độ C, tai bệnh nhức nhiều hơn, nghe kém hơn, mủ trong tai có khi chảy ra rất nhiều, có khi bị kẹt lại không chảy ra được.

Hội chứng hồi viêm này là triệu chứng chỉ điểm, báo trước trong vòng 12 hoặc 24 giờ sau là có biến chứng nguy hiểm. Nếu can thiệp vào thời điểm này tránh được tử vong cho bệnh nhân. Trong trường hợp gia đình không biết để đưa đi điều trị sớm, biến chứng tất yếu sẽ xảy ra.

Mỗi biến chứng đều có một triệu chứng chính:

  • Trong biến chứng áp xe đại não, bệnh nhân bị động kinh toàn thân, hoặc động kinh một phần cơ thể, và yếu chi bên đối diện của tai bệnh.
  • Trong biến chứng áp xe tiểu não, bệnh nhân bị chóng mặt, đứng không vững, nhất là bệnh nhân đứng chụm chân, nhắm mắt.
  • Trong biến chứng viêm xoang tĩnh mạch bên, bệnh nhân bị rét run, sốt cao 40-41 độ C. Triệu chứng này xuất hiện nhiều lần trong ngày.
  • Trong biến chứng viêm màng não, cổ bệnh nhân bị cứng, bệnh nhân không thể nào cúi đầu xuống cho cằm chạm ngực được.

Một khi biến chứng xảy ra, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân bị tử vong trong vài ngày sau đó.

Người bị chảy mủ tai cần phải được chăm sóc chu đáo. Phải đi khám định kỳ để giảm sự phát triển của bệnh. Trong trường hợp dịch tai chảy ra là mủ không hôi, bệnh chưa có khả năng gây biến chứng. Tuy nhiên, phải điều trị tích cực.

Trong trường hợp hội chứng hồi viêm xuất hiện, phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện và mổ cấp cứu. Không được chần chừ một giây phút nào. Càng kéo dài thời gian, tử vong do biến chứng càng gần kề. Tại bệnh viện, gặp trường hợp có hội chứng hồi viêm này, bệnh nhân được mổ cấp cứu để tránh biến chứng nguy hiểm.

Trong trường hợp trễ, đã xuất hiện các triệu chứng của biến chứng, phải tức tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để xin mổ tối cấp. Chậm trễ trong tình trạng này, bệnh nhân sẽ bị tử vong.

Bệnh viêm tai giữa mạn là bệnh thường bị coi là nhẹ. Tuy nhiên, diễn tiến bên trong phức tạp và có thể gây tử vong cho bệnh nhân