Bạn có bị trầm cảm?

Trầm cảm là bệnh tương đối khá phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Theo dự đoán của tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm sẽ là một trong những căn bệnh của thời đại, số lượng thân chủ sẽ có khuynh hướng ngày càng gia tăng trong tương lai và nhân loại sẽ phải đối mặt với căn bệnh này.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc chứng trầm cảm, tuy nhiên căn bệnh này thường gặp nhất ở độ tuổi từ 20-50. Tỉ lệ nữ giới mắc chứng trầm cảm nhiều hơn so với nam giới.

Có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này: trầm cảm có căn nguyên thực thể và trầm cảm có căn nguyên tâm lý. Trầm cảm có căn nguyên thực thể là loại trầm cảm mà bạn bị một bệnh về thực thể nào đó và vì căn bệnh đó dẫn đến chứng trầm cảm như một hệ quả. Trầm cảm có căn nguyên tâm lý là loại trầm cảm do áp lực từ cuộc sống, sang chấn tâm lý, vừa trải qua những biến cố nghiêm trọng, ly thân/ly hôn, chấm dứt một mối quan hệ thân thiết, mâu thuẫn xung đột… Tham khảo những thông tin sau đây có thể trả lời được câu hỏi là liệu bạn có bị bệnh trầm cảm hay không?

tram-cam

Những dấu hiệu thường thấy của bệnh trầm cảm

–        Cảm xúc: Buồn, chán nản hầu như suốt cả ngày.

–        Mất hứng thú: không còn tha thiết với những hoạt động trước đây mình thích thú.

–        Mất cảm giác ngon miệng: ăn không ngon miệng, kèm theo biểu hiện bị sụt cân. Một số trường hợp thì người bị bệnh trầm cảm có khuynh hướng ăn nhiều và thức ăn chủ yếu là đồ ngọt.

–      Mất ngủ/khó ngủ: Khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu mà cứ chập chờn, thấy ác mộng trong khi ngủ và thậm chí là thức trắng đêm không thể chợp mắt được.

–       Hành vi & suy nghĩ: chậm chạp, thờ ơ, lãnh đạm, thu rút xã hội, ngại tiếp xúc với người khác. Một số thân chủ có thể có xu hướng kích động.

–       Mất năng lượng: mệt mỏi, thấy không còn sức lực như trước, cảm giác không thể làm nỗi một việc gì cả. Cảm giác này thưởng biểu hiện rõ vào giai đoạn sáng sớm. Người mắc chứng trầm cảm uể oải, không muốn rời khỏi giường.

–       Tự ti và cảm giác tội lỗi: Người bị bệnh trầm cảm thường đánh giá thấp bản thân, quan trọng hóa vấn đề một cách quá mức và có cảm giác có lỗi với ai đó và luôn dằn vặt bản thân mình.

–      Thiếu quyết đoán và khả năng tập trung giảm so với trước: Người bị bệnh trầm cảm thường do dự trong việc ra quyết định, hay đãng trí, không thể nhớ được nhiều.

–       Có ý muốn tự tử: Người mắc bệnh trầm cảm thường cảm thấy bế tắc, không có lối thoát nên thường nghĩ đến cái chết, lập kế hoạch tự tử hoặc là đã thực hiện hành vi tự tử.

–        Lo âu: Người bị trầm cảm thường lo âu, căng thẳng kèm theo.

–        Bộc lộ những dấu hiệu của cơ thể: đau đầu, đau lưng, buồn nôn, đau dạ dày, đau ngực, thở gấp, tim đập nhanh…

–        Các dấu hiệu loạn thần: một số thân chủ trầm cảm có thể có hoang tưởng hoặc ảo giác.

Trầm cảm có thể chia thành 3 mức độ: trầm cảm nhẹ, trầm cảm trung bình và trầm cảm nặng. Qua thăm khám lâm sàng và các test có thể đánh giá được mức độ trầm cảm của bạn. Nếu bạn có khoảng 5 trong số các dấu hiệu trên và các dấu hiệu này đã xuất hiện và kéo dài khoảng 2 tuần có thể bạn đã mắc chứng trầm cảm.

Trầm cảm là căn bệnh có thể chữa được. Tuy nhiên, đó là một quá trình trị liệu có sự kết hợp cả y học và tâm lý trị liệu. Khi có những dấu hiệu của chứng trầm cảm bạn nên đến các bệnh viện tâm thần, trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, các bác sĩ tâm thần và các nhà trị liệu tâm lý để được hướng dẫn phương pháp vượt qua căn bệnh này. Bạn đừng xem thường các dấu hiệu của trầm cảm. Hãy cảnh giác, vì trầm cảm là tên sát thủ thầm lặng. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ khi cần thiết.