Tìm hiểu tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là gì?

Tâm lý trị liệu là những can thiệp nhằm giúp đỡ những con người có vấn đề khó khăn về mặt tinh thần trong đời sống. Các can thiệp này được thực hiện bởi những người có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt gọi là nhà tâm lý trị liệu (psychotherapist). Mục đích của tâm lý trị liệu là nhằm hướng đến việc giúp cho thân chủ hoặc những người bệnh vơi nhẹ những trải nghiệm đau khổ, khó khăn về tinh thần và đồng thời càng lúc càng gia tăng những cảm nhận tích cực về cuộc sống và về bản thân.

tâm lý trị liệu
tâm lý trị liệu

Những can thiệp trị liệu bao gồm rất nhiều hình thức đi từ việc thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp, có tính hỗ trợ giữa nhà trị liệu và thân chủ, các buổi làm việc dựa trên đối thoại, giao tiếp giữa hai bên, tiến đến giúp thân chủ cải thiện chất lượng đời sống tinh thần, tăng trưởng bản thân, thay đổi hành vi, đồng thời giúp bảo tồn và phát triển các mối quan hệ trong đời sống của thân chủ.

Khác với người lớn, trẻ em là những con người đang phát triển. Nhiều chức năng cả về thể chất lẫn tâm lý vẫn đang trong tiến trình hình thành, phát triển và hoàn thiện cho đến khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Do vậy, những can thiệp hỗ trợ tâm lý cho trẻ em thường phải hướng đến việc giúp trẻ vừa đương đầu với các vấn đề khó khăn hiện tại, vừa giúp trẻ tiếp tục hoàn thiện các chức năng thể chất và tinh thần để thích nghi tốt hơn với đời sống. Hỗ trợ tâm lý cho trẻ em thường phải thực hiện song song với hỗ trợ tâm lý cho gia đình của trẻ; đôi khi phải kết hợp với việc đánh giá và điều trị các chứng bệnh về thể chất có liên quan hoặc đôi khi phải kết hợp với các phương pháp giáo dục chuyên biệt, nhất là ở những trẻ có tình trạng rối loạn phát triển.

Bất kỳ ai trong đời sống cũng có thể gặp phải những hoàn cảnh như vậy, đôi khi tạm thời, thoáng qua, đôi khi có thể tự mình nỗ lực khắc phục… Cũng có khi nhờ sự hỗ trợ tinh thần từ bạn bè, người thân mà những hoàn cảnh khó khăn kia dần dần được giảm nhẹ và người trong cuộc có thể vượt qua được. Tuy nhiên, một khi các nỗ lực cá nhân bị thất bại hoặc khi các nguồn lực hỗ trợ từ người thân, bạn bè không được hiệu quả, lúc ấy người gặp nan đề rất cần đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ những nhà tâm lý trị liệu. Trong đời sống hiện đại ngày nay, những áp lực của đời sống ngày một gia tăng cùng sự thay đổi của cấu trúc gia đình sẽ kéo theo việc gia tăng khoảng cách giữa các thế hệ và làm giảm đi tính hữu hiệu của các nguồn lực hỗ trợ theo kiểu truyền thống (sự giúp đỡ từ người thân, gia đình, bạn bè…) do vậy sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu hỗ trợ tâm lý từ những nhà tham vấn và trị liệu tâm lý chuyên nghiệp.

Ai là thân chủ?

Một người trưởng thành có thể tìm đến tâm lý trị liệu khi người đó gặp phải các vấn đề khó khăn (nan đề) trong đời sống tinh thần. Trong các trường hợp ít nghiêm trọng, đó có thể là các nan đề hay xảy ra như: khó khăn khi quyết định một việc quan trọng, mâu thuẫn và xung đột trong các mối quan hệ, những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực, đương đầu với những sự kiện quá mức chịu đựng, những trạng thái tinh thần quá căng thẳng, quá đau khổ sau những sang chấn, mất mát, hoặc đôi khi đó là những cảm giác bất an, lạc lõng, trống vắng, chán nản, mất phương hướng…

Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, người gặp khó khăn về tinh thần không chỉ đương đầu với các nan đề trong đời sống mà còn có thể bị rối loạn các chức năng của hoạt động tâm trí. Những rối loạn chức năng tâm trí ấy, nếu gọi tên theo cách định bệnh của ngành y khoa tâm thần, có thể kể ra một số trạng thái phổ biến sau đây: rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh – cưỡng chế, ám ảnh sợ, lạm dụng chất gây nghiện (rượu, ma túy), các rối loạn nhân cách, và nặng hơn là các trường hợp loạn thần như loạn thần cấp hoặc tâm thần phân liệt chẳng hạn. Cũng có khi các rối loạn này biểu hiện thông qua những hành vi quá đáng, lệch lạc, gây nguy hại cho bản thân hoặc cho người khác như: bạo hành, lạm dụng tình dục, xâm hại trẻ em, tự sát, tự hủy hoại, hành vi bột phát trong giai đoạn khủng hoảng ở tuổi vị thành niên, các rối loạn ăn uống, các lệch lạc về khuynh hướng và sở thích tình dục, hành vi có tính nghiện ngập không phụ thuộc hóa chất ví dụ nghiện game, nghiện internet, nghiện bài bạc…

Trẻ em còn nhỏ có thể gặp nhiều tình trạng khó khăn khác nhau. Những trẻ mắc các chứng rối loạn phát triển có thể bị tình trạng chậm trễ trong phát triển những chức năng hoạt động tâm trí như trí tuệ, nhận thức, vận động, giao tiếp và quan hệ xã hội, khiến cho trẻ gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt, học tập và thích nghi với đời sống. Ở những trẻ có quá trình phát triển tốt, các trở ngại và khó khăn cũng có thể phát sinh khi trẻ sống trong môi trường gia đình có nhiều nguy cơ như quan hệ xung đột, bạo hành, sang chấn hoặc sự gắn bó về cảm xúc với người thân không đầy đủ hoặc không phù hợp. Tất cả các trường hợp trên đều cần đến những can thiệp hỗ trợ chuyên biệt về tâm lý.

Ai là nhà trị liệu?

nhà trị liệu
nhà trị liệu

Công việc của một nhà tâm lý trị liệu không giống như một bác sĩ y khoa, cũng không giống như một nhà giáo dục hoặc một nhân viên công tác xã hội, dù một số nhà tâm lý trị liệu có thể xuất thân ban đầu từ các ngành nghề trên.

Nhà tâm lý trị liệu (psychotherapist) thường bị nhầm lẫn với một kiểu chuyên viên khác là bác sĩ tâm thần (psychiatrist). Cả trong cách gọi tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài (Anh hay Pháp) đều có thể khiến người ngoài ngành bị hiểu nhầm. Hai kiểu chuyên viên này đều đòi hỏi phải trải qua những quá trình đào tạo chuyên sâu của ngành nghề mà mình làm việc.

Một bác sĩ tâm thần trước tiên phải là một bác sĩ y khoa và được đào tạo chuyên sâu thêm về lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Đa số bác sĩ tâm thần làm việc trong các cơ sở y tế, làm công việc khám và chữa trị cho những bệnh nhân mắc các chứng rối loạn tâm trí; đa phần sử dụng cách chữa trị y – sinh học nghĩa là dùng thuốc. Một số bác sĩ tâm thần được đào tạo chuyên sâu về tâm lý trị liệu có thể sử dụng các liệu pháp tâm lý để chữa trị cho những người có rối loạn chức năng tâm trí, khi đó họ đã đứng vào vị thế làm việc như một nhà tâm lý trị liệu. Có thể nói, tâm lý trị liệu (sử dụng các liệu pháp tâm lý) hoàn toàn khác về lý luận lẫn phương thức khi so sánh với việc can thiệp trị liệu theo kiểu y – sinh học, mặc dù cả hai cách thức can thiệp có khi nhằm vào việc giúp đỡ cùng những đối tượng giống nhau.

Nguồn “cung ứng nhân sự” quan trọng cho ngành tâm lý trị liệu chính là những nhà tâm lý lâm sàng (clinical psychologist). Tâm lý lâm sàng là lĩnh vực đào tạo chuyên sâu của tâm lý học; tuy dùng chữ “lâm sàng”, nhưng những chuyên viên này là nhà tâm lý chứ không phải bác sĩ y khoa. Cách gọi “bác sĩ tâm lý” do vậy là cách gọi không đúng và dễ gây hiểu nhầm. Nhà tâm lý lâm sàng có thể làm việc trong những cơ sở chăm sóc hỗ trợ tâm lý hoặc làm việc chung với các bác sĩ tâm thần trong những trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần theo kiểu phối hợp làm việc liên ngành để chữa trị các rối loạn tâm trí nghiêm trọng.

Nhà tâm lý trị liệu cũng có thể có nguồn gốc xuất thân từ những người thuộc hai lĩnh vực chuyên môn khác đó là: chuyên viên công tác xã hội lâm sàng (clinical social worker) và các chuyên viên giáo dục đặc biệt (special educator).

Cho dù xuất thân từ lĩnh vực chuyên môn nào, một nhà tâm lý trị liệu đều bắt buộc phải trải qua quá trình đào tạo và làm việc nhiều năm để có thể tác nghiệp hiệu quả trong lĩnh vực chuyên sâu này. Ở các quốc gia có ngành tâm lý trị liệu phát triển, việc đào tạo, chứng nhận hành nghề và quản lý hành nghề được thực hiện rất nghiêm túc và do các hội ngành nghề về tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu đảm nhận.

Trị liệu được tiến hành như thế nào?

Tâm lý trị liệu là một tiến trình làm việc giữa một (hoặc vài) nhà trị liệu với một (hoặc nhiều) thân chủ. Tiến trinh làm việc ấy bao gồm trong nhiều buổi gặp gỡ giữa hai bên, có những khuôn khổ quy ước về thời gian và nơi chốn, khảo sát các nhu cầu và định ra các mục tiêu hướng đến những thay đổi và những giải pháp cho các vấn đề khó khăn về tâm lý mà thân chủ đang gặp phải.

Tâm lý trị liệu nhắm đến việc xây dựng một mối quan hệ có tính hỗ trợ giữa nhà trị liệu và thân chủ, thông qua đó thực hiện các cuộc đối thoại giúp thân chủ đi sâu tìm hiểu, khám phá những khía cạnh trong đời sống tinh thần của mình cũng như trong các mối quan hệ của thân chủ với những người khác, tìm hiểu nguồn gốc các khó khăn trong đời sống hiện tại, từ đó có cách thức sống thích nghi hơn, hài hòa hơn giữa bản thân mình và cuộc sống xung quanh. Có thể xem đó là những tiến trình thay đổi bản thân, tiến trình học tập lại, tiến trình trải nghiệm lại, hoặc tiến trình tái kết nối và làm mới lại những mối quan hệ trong đời sống.

Ở thân chủ người lớn, các trao đổi giữa nhà trị liệu và thân chủ sẽ sử dụng phần lớn các kỹ năng giao tiếp bằng lời nói. Đối với trẻ em, nhà trị liệu có thể áp dụng các công cụ giao tiếp trung gian thay cho lời nói chẳng hạn như: chơi, vẽ tranh và các hoạt động khác.

Mỗi buổi gặp gỡ được gọi là một “phiên trị liệu” (session), thường diễn ra tại cơ sở làm việc của nhà trị liệu trong những khoảng thời gian được quy định trước. Thời gian cho mỗi phiên làm việc thay đổi tùy trường hợp.

– Phiên trị liệu cá nhân:
Trẻ nhỏ: 45-60 phút
Người lớn: 60-90 phút
– Phiên trị liệu gia đình: 90-120 phút
– Phiên trị liệu nhóm: 90-120 phút hoặc nhiều hơn

Một quá trình trị liệu (một liệu trình) có thể diễn ra ngắn ngày hoặc dài hạn là tùy thuộc vào bản chất của vấn đề, nhu cầu của thân chủ và khả năng đáp ứng của cơ sở trị liệu. Có thể thực hiện những liệu trình ngắn hạn (một đến vài phiên trị liệu) cho đến những liệu trình dài hạn (vài tháng đến vài năm; bao gồm rất nhiều phiên trị liệu).

Khoảng cách giữa hai phiên trị liệu có thể thay đổi tùy theo tính khẩn cấp của vấn đề nhiều hay ít; có thể từ mỗi tuần 2 lần; 1-2 tuần một lần hoặc lâu hơn.

Các công việc như đánh giá, phân tích nhu cầu và hoạch định mục tiêu thường xuyên được thực hiện trong suốt quá trình làm việc giữa nhà trị liệu và thân chủ để bảo đảm đáp ứng các nhu cầu và lợi ích của thân chủ. Tính minh bạch của các can thiệp từ nhà trị liệu cùng với mức độ sẵn lòng tham gia và thực hiện các thay đổi từ phía thân chủ sẽ là những nhân tố chính yếu quyết định sự thành công của tâm lý trị liệu.