Trị liệu tâm lý cho trẻ thông qua trò chơi

Có rất nhiều phương thức khác nhau mà nhà trị liệu tâm lý có thể sử dụng khi làm việc với trẻ. Một trong số đó là trị liệu thông qua trò chơi.

Trò chơi là một loại hình hoạt động quen thuộc và yêu thích của trẻ. Với số vốn ngôn ngữ còn hạn chế nên trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi lắp ghép, kết hợp thành câu để thể hiện suy nghĩ hay ý tưởng của mình. Đặc biệt, với những trẻ có vấn đề về tâm lý thì nhà trị liệu sẽ gặp nhiều khó khăn thông qua việc hỏi trẻ để tìm kiếm thông tin. Trong khi đó, thông qua trò chơi, trẻ có thể bộc lộ tình trạng của mình, những khả năng, những mong muốn, niềm khát khao…. và nhà trị liệu có thể thông qua quá trình chơi và kết quả của trò chơi để hiểu nhiều hơn về thế giới nội tâm của trẻ.

tam-ly-tri-lieu-cho-tre

Trẻ thường yêu thích và hay chơi những trò chơi đơn giản, dễ hiểu. Tuỳ vào mục đích tìm ra vấn đề tâm lý của trẻ hay nhằm trị liệu mà nhà trị liệu có thể lựa chọn trò chơi phù hợp. Trong suốt quá trình quan sát trẻ chơi, nhà trị liệu có thể dạy trẻ cách chia sẻ, cách liên hệ với người xung quanh, giúp trẻ sống hoà đồng và có những cách thức ứng xử phù hợp. Tuỳ từng lứa tuổi và sở thích của trẻ, nhà trị liệu có thể sử dụng một hoặc kết hợp các trò chơi dưới đây:

Vẽ: Đối với trẻ đã biết sử dụng bút một cách thành thạo, có thể cho trẻ giấy và bút với nhiều màu sắc để trẻ tuỳ ý lựa chọn. Hình vẽ và cách vẽ của trẻ không cần đẹp, chuẩn theo đúng khuôn mẫu nhưng lại bộc lộ những suy nghĩ, cảm nhận của trẻ thông qua các hình vẽ, màu sắc và vị trí của các hình vẽ trong khung hình. Để lấy được thông tin, nhà trị liệu có thể hỏi hoặc bàn về những hình vẽ của trẻ. Cách giải thích của trẻ về hình vẽ giúp nhà trị liệu có thể nhận thấy được cách nhìn và hiểu về cuộc sống của trẻ. Quan trọng hơn, nhà trị liệu có thể phát hiện được những vấn đề trẻ đang gặp phải.

Trò chơi đóng vai: Ở lứa tuổi mẫu giáo trẻ rất thích chơi trò đóng vai các nhân vật mà trẻ yêu thích hoặc những vai mà trẻ thường thấy trong cuộc sống hàng ngày. Tuỳ từng độ tuổi, trẻ có thể chơi đóng vai như với búp bê, hoặc với một hoặc nhiều người. Từ sự quan sát những sự việc hàng ngày, trẻ có thể bộc lộ những suy nghĩ, tính cách và những cảm nhận của mình thông qua trò chơi, đặc biệt là khả năng ứng phó trước những tình huống mà trong trò chơi đặt ra.

–  Nhà trị liệu có thể sử dụng những trò chơi mang tính chất là hoạt động tĩnh hoặc hoạt động vận động. Thông qua mỗi trò chơi, trẻ đều có thể bộc lộ những suy nghĩ và những cảm nhận của mình.

Lưu ý: Khi tổ chức trò chơi cho trẻ, nhà trị liệu phải tạo không gian và tâm lý thoải mái cho trẻ được tự do chơi. Nhà trị liệu có thể đưa ra những ý tưởng một cách cụ thể, giải thích cách thức tiến hành trò chơi bằng ngôn ngữ và phải làm mẫu cho trẻ trước khi trẻ chơi.