Ái nhi hay ấu dâm và xâm hại tình dục trẻ em

Từ “tâm thần” được dùng nhiều trong những bối cảnh sai lệch đến mức khi có người mới nhắc đến ái nhi như một rối loạn tâm thần thì lập tức có người phản đối rằng thế tâm thần rồi xâm hại trẻ em thì đương nhiên được miễn tội à? Điều này không phải.

Về lý thuyết mà nói, mình mắc rối loạn tâm thần, nhưng có phải chỉ đơn giản vì thế mà mình có thể được gọi là một người tâm thần hay không? Có lẽ là không. Xác định một người “tâm thần” đến đâu để có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự là một vấn đề chuyên môn. Nhưng khác biệt căn bản giữa tâm thần “có tội” và “vô tội” thì tương đối dễ hiểu.
Ái nhi từ lâu đã được xác định là một rối loạn tâm thần.

Về mặt định nghĩa mà nói, bản thân “ái nhi” không phải là bất hợp pháp. Chỉ những người có hành vi ấu dâm mới là bất hợp pháp, bởi lẽ không phải ai cảm thấy có ham muốn tình dục với trẻ em cũng thực hiện hành vi này trên thực tế. Dù không có con số cụ thể, tỷ lệ mắc rối loạn này trong nam giới được ước tính là có thể lên đến 3–5% dân số, xuất hiện ở cả nữ giới, và tỷ lệ có hành vi ái nhi còn nhỏ hơn thế rất nhiều.

Phân biệt rõ ái nhi và ấu dâm
Phân biệt rõ ái nhi và ấu dâm

Chính vì không hiểu điều này mà định kiến đối với ái nhi trong gần như mọi xã hội là rất lớn, và điều này có thể gây nguy hiểm cho bản thân người mắc rối loạn vì họ khó đến mức không thể tìm được sự giúp đỡ cần thiết và từ đó làm gia tăng rủi ro cho xã hội. Tuy nhiên, ái nhi có thể được chấp nhận về mặt xã hội hay không lại là một vấn đề khác, và liên quan nhiều đến hành vi liên quan đến ái nhi hơn là liên quan đến bản thân rối loạn này.

Có nhiều bằng chứng cho thấy ái nhi liên quan đến cấu trúc và chức năng của não bộ. Có thể hiểu điều này đồng nghĩa với việc những người mắc rối loạn ái nhi vốn sinh ra đã vậy và do đó không có biện pháp “điều trị” hoàn toàn hiệu quả. Chỉ với mục đích so sánh, có thể gọi một cách không chính xác và gây nhiều tranh cãi rằng ái nhi cũng là một thiên hướng tình dục, tương tự như ái nam hay ái nữ. Nói như thế có nghĩa là người ái nhi chỉ có thể tự phát hiện ra rối loạn của mình mà không được “chọn.”

>>> Xem thêm: Đại cương về bệnh rối loạn cương dương ở nam giới

Khác biệt ở đây là rối loạn ái nhi có thể dẫn đến những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, và người ái nhi, bằng cách tự kiềm chế, tự kiểm soát, có thể “chọn” làm điều đó hoặc không. Xin lưu ý rằng nhận định sau không có ý phân biệt, nhưng thực tế cho thấy người ái nhi có xu hướng bộc lộ hành vi của mình khi họ cảm thấy không còn gì để mất hoặc không thể bị phát hiện; đó là lý do tại sao hành vi ái nhi có vẻ phổ biến hơn hẳn ở người lớn tuổi và những người vốn được cho là “không có lý do gì để làm như vậy.”

Xâm hại trẻ em là hành vi đáng lên án, cần ngăn chặn, và phải bị trừng phạt theo quy định của pháp luật. Nhưng quan trọng hơn cả là làm thế nào để bảo vệ những nạn nhân đã bị xâm hại và những người có thể trở thành nạn nhân sau này. Khi sự đã rồi thì trừng phạt thủ phạm đến đâu cũng là không đủ và không giúp ích gì nhiều cho nạn nhân.

Xóa bỏ định kiến đối với bản thân ái nhi như một rối loạn tâm thần nhằm giúp đỡ người mắc, đồng thời có chẩn đoán sớm để người mắc có ý thức tự kiểm soát là cần thiết. Nâng cao ý thức cộng đồng về các rối loạn tâm thần và nguy cơ, bất kể khó khăn đến đâu và tốn nhiều nguồn lực thế nào, cũng luôn là việc phải làm. Và không phải chỉ của riêng ai.