Phương pháp trị liệu bằng tâm lý ?

Ở Việt Nam trước quá trình đổi mới và quá trình đô thị hoá ngày càng gia tăng, sức ép của công việc, sức ép của những biến đổi xã hội tác động lên đời sống tình cảm của các cá nhân trong nhiều nhóm xã hội khác nhau có thể dẫn đến những biến đổi cảm xúc, sai lệch hành vi, biến đổi nhân cách, ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần của con người. Việc trị liệu tâm lý ngày càng có vai trò quan trọng. Vậy trị liệu tâm lý là gì? Có những hình thức nào có thể được áp dụng trong trị liệu tâm lý?

tram-cam-sau-sinh

Chúng ta có thể hiểu trị liệu tâm lý là sự điều trị các rối loạn cảm xúc, hành vi, nhân cách và tâm thần thông qua giao tiếp dùng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ với người bệnh. Trong thực hành trị liệu tâm lý có thể bao gồm cả việc chữa trị các rối loạn và giúp gười bệnh cách thức giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Khi bàn đến trị liệu tâm lý có một vấn đề chúng ta cần quan tâm là trị liệu tâm lý thường bị nhầm với tư vấn. Điều này gây khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp can thiệp. Tư vấn khác với trị liệu tâm lý ở chỗ tư vấn là mối quan hệ và hoạt động mang tính chuyên môn mà trong đó nhà tư vấn giúp đối tượng hiểu và giải quyết việc điều chỉnh vấn đề, đưa ra lời khuyên, sự đánh giá, hay chỉ dẫn đối tượng cách đánh giá và kiểm soát bản thân. Trong công tác tư vấn nhà tư vấn thường đưa ra các phương án để đối tượng lựa chọn phương án hợp lý cho việc quyết định, đánh giá một vấn đề gì đó
Trị liệu tâm lý có hiệu quả trong điều trị bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, rối loạn nhân cách và một số rối loạn tâm thần khác. Trị liệu tâm lý thường được sử dụng kết hợp với điều trị thuốc đối với bệnh tâm thần phân liệt và các rối loạn lưỡng cực. Trong nhiều trường hợp, sự phối hợp trị liệu tâm lý với điều trị thuốc tỏ ra có hiệu quả. Thuốc chống trầm cảm có thể nâng trạng thái cảm xúc, giúp người bệnh tham gia tích cực hơn vào quá trình trị liệu và đưa đến kết quả tốt hơn.
Có nhiều trường phái tâm lý, mỗi trường phái có cách xây dựng cơ sở lý thuyết khác nhau và đưa ra phương pháp trị liệu tâm lý cũng rất khác nhau.

Một số liệu pháp tâm lý chính
Liệu pháp phân tâm (phân tích tâm lý) cho rằng người ta mắc bệnh là do những xung đột giữa những nhu cầu, những mong muốn mang tính bản năng với khả năng thoả mãn những nhu cầu, mong muốn đó. Người bệnh không ý thức được những nguyên nhân này, nên nhiệm vụ của nhà trị liệu là bằng nghiệp vụ chuyên môn của mình phải phát hiện ra những dồn nén, tức là những nguyên nhân gây bệnh. Khi nguyên nhân được soi sáng trên bình diện ý thức (được giải toả), thì xung đột sẽ hết, người bệnh sẽ khỏi bệnh.
Liệu pháp hành vi không chú trọng đến nguyên nhân, chỉ tập trung vào điều chỉnh những hành vi lệch lạc. Người bệnh chỉnh hành vi theo mẫu đúng, có sự hướng dẫn đánh giá của nhà trị liệu và chế độ thưởng phạt rõ ràng. Người bệnh nhận thức được hành vi cần phải điều chỉnh như thế nào.
Liệu pháp nhận thức cho rằng những ý nghĩ sai lệch và không được tổ chức (những suy nghĩ này có ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của người bệnh) là điểm chung cho tất cả các xáo trộn tâm lý. Việc đánh giá hiện thực và làm giảm những suy nghĩ này tạo sự tiến bộ về cảm xúc và hành vi. Nhà trị liệu bằng nhiều cách khác nhau tìm kiếm việc tạo ra những thay đổi nhận thức – thay đổi hệ thống tư duy và niềm tin của người bệnh – trong trật tự -để cuối cùng đem đến sự thay đổi trong cảm xúc và hành vi.
Ngoài ra còn có các liệu pháp tâm lý khác dựa theo sự phối hợp các cách tiếp cận tâm lý (như trị liệu nhận thức hành vi), hay không dựa theo một các tiếp cận điển hình nào. Các nhà trị liệu có thể học nhiều trường phái tâm lý khác nhau và họ lựa chọn những hoạt động trị liệu phù hợp của mỗi trường phái tuỳ theo bối cảnh trị liệu, đặc điểm tâm lý cá nhân người bệnh

Các hình thức trị liệu

Có nhiều cách phân chia các hình thức trị liệu dựa trên những tiêu chuẩn khác nhau:
– Theo sự ảnh hưởng của Liêụ Pháp Tâm Lý lên người bệnh có các liệu pháp trực tiếp và gián tiếp.
– Theo số lượng người bệnh tham gia có liệu pháp cá nhân, liệu pháp nhóm (liệu pháp gia đình cũng được coi là liệu pháp nhóm)
– Theo tính chất điều trị có trị liệu bệnh sinh (giải quyết nguyên nhân), trị liệu triệu chứng (nhằm xoá bỏ một số triệu chứng)
– Theo mục đích điều trị (Điều chỉnh hành vi, củng cố hành vi)
– Theo dạng hoạt động: Trò chuyện, trò chơi, hành vi, nghệ thuật: vẽ, âm nhạc, tâm kịch

Một số hình thức trị liệu tâm lý đang được áp dụng tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương:
– Trò chuyện, giải thích hợp lý: Nhà chuyên môn trò chuyện với người bệnh, tìm hiểu những khó khăn của họ, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, giúp người bệnh bộc lộ bản thân, và khi cần thiết dùng lời lẽ hợp lý, logic giải thích cho người bệnh về cơ chế bệnh của họ, hay giúp học điều chỉnh các mối quan hệ và điều chỉnh thái độ cho phù hợp với chuẩn mực
– Liệu pháp tâm lý cá nhân: cán bộ chuyên môn trực tiếp với một người bệnh.
– Liệu pháp tâm lý nhóm: người bệnh được phân nhóm theo những tiêu chuẩn nhất định và nói chuyện theo những chủ đề có sẵn hay có thể theo chủ đề tự do. Trong nhóm, người bệnh có thể bộc lộ ý kiến của mình, tìm kiếm sự giúp đỡ và đồng cảm của nhóm. Sinh hoạt nhóm giúp bệnh nhân có khả năng bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình, họ cảm thấy yên tâm vì họ không phải là người duy nhất có các vấn đề, trở nên tự tin hơn, có khả năng tốt hơn trong việc ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống
– Lao động liệu pháp: người bệnh được tự mình làm ra các sản phẩm như may vá, làm nến… Trong công việc họ phải tập trung chú ý, phải suy nghĩ. Việc tự làm ra sản phẩm đem lại niềm vui và sự tự tin cho người bệnh, họ cảm thấy mình có giá trị hơn.
– Âm nhạc trị liệu: âm nhạc có tác động rất lớn tới cảm xúc con người. Việc nghe nhạc hay tự mình được tham gia vào các hoạt động âm nhạc giúp người bệnh thể hiện cảm xúc, cải thiện trạng thái cảm xúc. Âm nhạc trị liệu là một phương pháp chữa trị bền vững và hiệu quả đối với người có nhu cầu về tâm lý xã hội, tình cảm, nhận thức và giao tiếp. Các kết quả nghiên cứu và thực tiễn y khoa đã chứng minh hiệu quả của âm nhạc, thậm trí với cả những bệnh nhân không đáp ứng với những cách chữa trị khác.
– Tâm kịch: giúp cho sự phát triển nhân cách và hoàn thiện sự cân bằng giữa nhận thức, cảm xúc và hành vi.